Ngựa trong chiến tranh ở Đông Á
Ngựa trong chiến tranh ở Đông Á

Ngựa trong chiến tranh ở Đông Á

Ngựa trong chiến tranh ở vùng Đông Á phản ánh lịch sử ngựa chiến ở các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Theo quan niệm của người Đông phương, hình ảnh những dũng tướng trên lưng ngựa phi nước đại ra sa trường là biểu tượng của sức mạnh, sự thần tốc và lòng kiêu hãnh. Từ cổ chí kim, nhiều võ tướng, danh tướng luôn được tái hiện rất dũng mãnh trong hình ảnh cưỡi ngựa xông pha trận mạc. Ở chiến trường, người ta coi trọng vai trò của ngựa sánh ngang với con người, ngựa được coi là chiến mã và bảo mã là sinh mệnh của võ tướng.Trong binh pháp phương Đông việc sử dụng chiến mã và đánh trận bằng kỵ binh chủ yếu dựa vào phương châm "Tốc chiến, tốc quyết", đánh nhanh, rút lui nhanh và tận dụng yếu tố bất ngờ. Mã chiến thì có thể phát huy thế mạnh ở đồng bằng, đường giao thông thuận lợi, nhiều ngả đi nhiều ngõ đến, và rất kỵ chốn nê địa, tức địa hình khó khăn, hiểm trở, nhiều đầm lầy. Về loài ngựa thì sự tồn tại của nó có lẽ quyết định cho sự phát triển của cả một đế chế, thậm chí là thay đổi lại toàn bộ lịch sử thế giới chẳng hạn như lực lượng kỵ binh du mục mà tiêu biểu là kỵ binh Mông Cổ.